HỢP ĐỒNG THỜI VỤ VÀ HỢP ĐỒNG THỬ VIỆC KHÔNG CẦN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI
- phanhoainamba
- 2 ngày trước
- 5 phút đọc
Với vị trí thử việc hay với công việc thời vụ (part-time), doanh nghiệp và người lao động luôn băn khoăn về việc có cần đóng BHXH bắt buộc hay không? Căn cứ theo Nghị định 158/2025/NĐ-CP về việc hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội 2024, W&A sẽ đưa ra câu trả lời trong bản tin này, đồng thời sẽ phân tích ngắn gọn đối với các quy định nổi bật cần lưu ý, đặc biệt với bộ phận nhân sự, và bộ phận kế toán tài chính trong quá trình thực hiện tại doanh nghiệp.

NỘI DUNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
1. Hợp đồng thử việc không phải đóng bảo hiểm xã hội
Nghị định 158 quy định: “Người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc”. Như vậy, nếu người lao động chỉ ký hợp đồng thử việc (không phải hợp đồng lao động chính thức), doanh nghiệp không cần đóng BHXH, kể cả thời hạn hợp đồng từ 1 tháng trở lên.
Quy định này giúp phân biệt trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phải đóng BHXH bắt buộc.
2. Lao động thời vụ có thu nhập thấp hơn mức tối thiểu vùng không phải đóng BHXH
Các công việc part-time mà người lao động chủ yếu là sinh viên như công việc cộng tác viên, thời vụ ngắn hạn, làm theo giờ/ngày… nếu lương tháng dưới mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định thì doanh nghiệp không bị ràng buộc đóng BHXH bắt buộc.
Đối với hợp đồng lao động không trọn thời gian như các công việc part-time, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH:
Thỏa thuận lương tính theo tháng: là tiền lương tính trong tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Thỏa thuận lương theo giờ: tiền lương tính trong tháng bằng tiền lương theo giờ nhân với số giờ làm việc trong tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
Thỏa thuận lương theo ngày: tiền lương tính trong tháng bằng tiền lương theo ngày nhân với số ngày làm việc trong tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
Thỏa thuận lương theo tuần: tiền lương tính trong tháng bằng tiền lương theo tuần nhân với số tuần làm việc trong tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Ngoài ra, Nghị định 158 còn có các quy định mới mà doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý:
3. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 của Luật BHXH 2024, tiền lương tháng bao gồm mức lương theo:
Công việc hoặc chức danh: tính theo thời gian (theo tháng) của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng được thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
Các khoản phụ cấp lương: mục đích để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ, được thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không bao gồm khoản phụ cấp lương mang tính không thường xuyên do phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của người lao động;
Các khoản bổ sung khác: xác định được mức tiền cụ thể cùng với lương được thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương; không bao gồm các khoản bổ sung khác mang tính không thường xuyên do phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của người lao động.
4. Căn cứ chuyển đổi lương ngoại tệ để đóng BHXH
Nếu tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng ngoại tệ thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính bằng Đồng Việt Nam.
Căn cứ chuyển đổi: tỷ giá bình quân của tỷ giá mua vào theo hình thức chuyển khoản của Đồng Việt Nam với ngoại tệ do 4 Ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước công bố vào đầu kỳ: ngày 02/01 và ngày 01 tháng 07.
Ghi chú: trường hợp các ngày này trùng vào ngày lễ, ngày nghỉ thì lấy tỷ giá của ngày làm việc tiếp theo liền kề.
5. Thời gian truy đóng BHXH bắt buộc để không bị tính lãi chậm đóng
Trước đây, thời hạn truy đóng là sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương tháng đóng BHXH cho người lao động.
Từ 01/7/2025, thời hạn truy đóng theo quy định mới là đến hết ngày cuối cùng của tháng tiếp theo sau tháng có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương.
6. Tạm dừng đóng BHXH bắt buộc khi người lao động bị tạm đình chỉ công việc
Trường hợp người lao động bị tạm đình chỉ công việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì việc đóng BHXH sẽ giải quyết như sau:
Nếu sau thời gian tạm đình chỉ công việc như trên mà người lao động được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc thì đóng bù BHXH bắt buộc cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
Thời hạn đóng bù: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng.
Số tiền đóng bù: Căn cứ theo mức đóng, phương thức của Luật quy định, tương ứng với thời gian của những tháng tạm dừng đóng bằng số tiền phải đóng BHXH.
Đóng bù sau thời gian quy định: Trường hợp này sẽ được xem xét hoặc là hành vi chậm đóng, hoặc là hành vi trốn đóng, và sẽ áp dụng các hình thức xử lý tương ứng với hành vi chậm đóng hoặc trốn đóng BHXH.
Nếu sau thời gian tạm đình chỉ công việc như trên mà người lao động không được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc thì không cần đóng bù BHXH bắt buộc cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
KẾT LUẬN CỦA W&A:
Luật BHXH 2024 và Nghị định 158 đã có nhiều điểm mới và tiến bộ doanh nghiệp cùng với bộ phận nhân sự hay bộ phận kế toán tài chính chú ý cập nhật các quy định mới nhất liên quan đến BHXH. Đồng thời, doanh nghiệp cần rà soát lại quy định trong các hợp đồng lao động mẫu để thực hiện đúng theo pháp luật để đảm bảo được quyền lợi của cả doanh nghiệp và người lao động.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
☎️ (+84) 93 594 8688
📧 Email: waconsulting@waco.com.vn
🌐 Website: https://www.waconsulting.vn/
📌 Tầng 18, Toà nhà Vincom Center Đồng Khởi, Phường Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh
🏢 Tầng 2, Toà nhà Saigon Paragon, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
Comments